Thường ngày chúng ta hay nghe câu hỏi “Tại sao ?” của những đứa trẻ con. Tụi nó đang tìm hiểu thế giới xung quanh mình và luôn hỏi người lớn câu hỏi “Tại sao ?”
Tại sao phải đi bên phải mà không đi bên trái ?
Tại sao con nên viết bằng tay phải mà không bằng tay trái ?
Tại sao ? tại sao và tại sao ?
Không những chỉ những đứa trẻ mới hỏi “Tại sao ?”. Người lớn cũng hỏi “Tại sao ?” nhưng trong một ngữ cảnh khác. Một số người hỏi “Tại sao thế này ?, Tại sao thế kia” để bảo vệ hoặc ngụy biện bào chữa cho chính bản thân mình.
Ở một phiên tòa xét xử tội phạm buôn ma túy, giết người cướp của.. Sau khi chủ tọa tuyên án, phạm nhân rống lên một cách thảm thiết tại sao tôi phải nhận kết quả như thế này, việc tôi làm đâu đáng để nhận hậu quả như vậy ?.
Người lớn luôn hỏi câu “Tại sao ?” khi ảnh hưởng đến quyền lợi và tự bào chữa cho chính mình, trong khi trẻ con hỏi “Tại sao ?” vì muốn được biết lý do.
Trên một đoạn đường bạn đang đi, có 10 người trong đó 5 người vượt đèn đỏ. Bạn sẽ vượt đèn đỏ theo họ với câu hỏi “Tại sao tôi phải dừng khi 4 người kia vượt ?”.
Khi bạn vi phạm luật giao thông, và nhiều người khác cũng vi phạm như bạn. CSGT thổi bạn, bạn hỏi “Tại sao không thổi mấy người kia trong khi họ cũng vi phạm như tôi ?”.
Khi bạn trể hẹn cuộc phỏng vấn, nhà tuyển dụng đánh rớt bạn. Bạn hỏi “Tại sao tôi trễ có 5 phút mà họ cũng hẹp hòi đánh rớt tôi ?”.
Khi bạn chây ỳ không đóng tiền điện, điện lực cắt điện nhà bạn, bạn hỏi “tại sao tôi đóng trễ có một vài ngày mà cắt điện nhà tôi ?”.
Cày game xuyên đêm, không ra trường đúng hạn, ngó mấy đứa bạn thành công hỏi “Tại sao nó giỏi ?”
Tại sao tôi không được sinh ra trong một gia đình giàu có ?
Tại sao tôi lùn ?
Tại sao tôi xấu trai, xấu gái ?
Tại sao toilet công cộng hôi quá vậy?
Tại sao đường phố ngập rác ?
Tại sao ? Tại sao ? Tại sao ?
Chúng ta thường quan tâm đến kết quả hơn là nguyên nhân.
Ngụy biện biện minh cho mình hơn là đương đầu nhận trách nhiệm với hành động của mình.
Liệu chúng ta có hơn một đứa trẻ ?. Ngoài hỏi “Tại sao ?” để ngụy biện ra chúng ra còn mục đích nào khác khi tự hỏi “Tại sao ?”
Trong triết lý nhà phật, mọi thứ điều có nhân và quả. Nhân quả không có nghĩa là tốt hay xấu, mà nó chỉ là kết quả của các điều kiện thù hợp cộng lại.
Khi người lớn học lại những câu hỏi “Tại sao ?” đúng nghĩa của tụi trẻ con, nghĩa là bạn đang gieo lại nhân tốt cho quả sau này.
Có những nhân mà bạn không thể thay đổi được, như cây xương rồng sinh ra giữa sa mạc. Đừng hỏi tại sao nơi tôi sinh ra không phải là rừng mưa nhiệt đới? Nếu xương rồng mà sinh ra ở rừng mưa nhiệt đới thì tên nó không phải là cây xương rồng nữa.
Vì vậy, đừng hỏi tại sao tôi không có cha mẹ giàu có. Bạn sẽ không thay đổi được quá khứ của mình. Nhưng bạn nên hỏi tôi nên làm gì để đời tôi khá lên ?
Nhưng có những thứ về tinh thần và tri thức bạn có thể thay đổi được, thay vì ngụy biện thì hãy tìm ra nguyên nhân để khắc phục nó.
Quay về câu chuyện CSGT thổi bạn, đừng hỏi tại sao anh thổi tôi mà hãy hỏi tôi đã làm gì để anh thổi tôi.
Đừng hỏi tại sao bạn tôi giỏi quá mà hãy hỏi tại sao tôi dở hơn bạn tôi.
Đừng hỏi tại sao toilet công cộng hôi mà hãy giật nước mỗi khi đi tè.
Đừng hỏi tại sao đường ngập rác mà bạn hãy bỏ rác vào thùng khi vất thứ gì đi.
Với những nhân duyên mà bạn không thể thay đổi được thì đừng hỏi tại sao. Mà hãy dựa vào cái mà chúng ta đang có sẵn đặt câu hỏi tại sao với nhân duyên có thể thay đổi.
Cây xương rồng biết nó sinh ra ở sa mạc và tìm cách tích tụ nước ở thân vào ban đêm để sử dụng vào ban ngày. Lá tiến hóa thành gai để giảm bốc hơi nước.
Nếu quan sát kỹ những người xung quanh chúng ta hằng ngày những người chúng ta gặp, biết hoặc thoáng qua. Chúng ta may mắn hơn rất nhiều.
Trong một khu rừng, có rong rêu, dây leo, đại thụ và có cả chùm gửi. Xã hội con người không khác gì mấy.
Khi bạn ngưng hỏi “Tại sao?” vì ngụy biện, bạn sẽ kiểm soát được hành vi và tâm hồn mình.
Chức một ngày tốt lành.
Cuong Dang