(Tiếp theo phần 4)
Làm đường
Hằng ngày mình gặp rất nhiều người với nhiều công việc khác nhau các bạn ạ. Thời điểm năm 2014 đường quốc lộ 1 hầu như làm lại hết. Hằng ngày mình vẫn thấy những công nhân làm đường với cái nắng chói chang, khói bụi mù mịt và mùi nhựa đường nồng nặc. Họ vẫn làm không mệt mỏi. Trong số những người làm đường, trẻ có, già có. Có bác mình đoán cũng trên 60 tuổi, ai nấy cũng đen nhẻm. Họ đến từ nhiều vùng miền khác nhau, nam có, bắc có, trung có…tất cả mọi người điều phải chịu cái nắng cái mùi khó chịu của nhựa đường, nhất là những đoạn đường thuộc các tỉnh như Đồng Nai, Bình Thuận, Phú Yên, Bình Định, Quảng Bình, Quảng Trị, các tỉnh này khí hậu rất khắc nghiệt. Giữa trưa họ tìm một bóng mát dưới các bóng cây ven đường hoặc dưới gầm xem lu, xe ben chở đất đá để ăn cơm và chợp mắt một chút.
Làm tài xế
Vì chuyến đi khá dài ngày nên mình gặp rất nhiều các bác tài chạy xe tải, xe container đường dài, nếu chuyến nào ngắn thì hầu như hai, ba ngày mình thấy xe họ một lần. Nếu tài xế bắc-nam thì một tuần lại gặp họ một lần, những xe tải chạy từ miền tây hoặc tây nam bộ thường chở trái cây, nông sản…mình đoán là chở qua cửa khẩu Lào Cai Trung Quốc. Các xe tải biển số miền Trung thì hay chở gia súc như heo, trâu, bò. Các xe tải biển số ngoài bắc thì thường vào nam chở sắt thép ra bắc.
Lâu lâu trên đoạn đường vắng nghe một hồi còi dài của những chiếc container, lúc đầu mình nghĩ chỉ là tiếng còi bình thường, sau này nghe bóp còi mình ngoảnh lại, các bác tài giơ tay chào lúc đó quen dần, khi đường vắng mà nghe tiếng còi thì quay lại chào các bác tài một chút…
Làm nghề tự do
Qua khỏi địa phận Hàm Tân-Bình Thuận thì điều kiện sống ngày càng khắc nghiệt hơn, những cánh đồng khô khốc không có một miếng nước, những đứa trẻ và các người lớn tuổi chăn bò, cừu, dê trên cánh đồng nắng cháy da. Đi qua những khu chợ làng quê nghèo, nhiều người phụ nữ lớn tuổi mua thúng bán bưng, bán quần áo Sida…chợt nhiên mình thấy hình ảnh má mình ở đó, bà đã tần tảo mấy chục năm buôn bán quần áo ở những khu chợ quê nghèo nuôi anh em chúng tôn khôn lớn. Buổi trưa gay gắt nắng bỗng dưng một cơn gió mạnh thổi qua cuốn theo bụi mịt mù, nhưng người buôn bán hàng rong quay mặt nhéo mày chịu trận.
Bác xe ôm già đen đúa ngồi trên xe tựa vào gốc cây miệng móm sọm tranh thủ gật gù ngủ trong lúc đợi khách.
Làm công nhân
Theo đà đô thị hóa, các tỉnh hầu như tỉnh nào cũng có khu công nghiệp, thanh niên bây giờ không còn làm nông nhiều nữa, mỗi buổi sáng ở Quảng Nam, Huế và các tỉnh miền trung, mình thấy hàng nghìn công nhân các khu chế xuất khu công nghiệp túa ra đường đi đến các khu công nghiệp. Chiều bốn giờ mấy năm giờ lại thấy hàng nghìn công nhân trở về, phụ nữ thì ghé lại các chợ chòm hỏm dọc đường mua bó rau con cá.
Một số thanh niên choai choai hay còn gọi là sửu nhi chạy xe côn tay đánh võng chứng tỏ tay lái lụa lấy le mấy em gái đi làm về.
Làm ngư phủ
Các tỉnh ven biển miền trung bạn rất dễ thấy mỗi sáng sớm, trong lúc tờ mờ sáng hàng chục ghe, xuồng nhỏ đang di chuyển ngoài khơi vào bờ. Có những cái thúng câu tôm, câu mực thắp đèn sáng đêm giữa biển cả bao la… sáng họ lại chèo vào bờ bán cho kịp phiên chợ, ngư dân cũng có người già người trẻ nhưng hầu như là đàn ông. Vô đến bờ, vợ con cùng xúm lại gỡ lưới, phụ nữ thì gỡ cá cho vào giỏ đem bán, đàn ông thì kéo thúng lên bờ, xếp lưới gọi gàng cho khỏi rối chuẩn bị cho chuyến đi tiếp theo. Mình thực sự khâm phục họ, những ngư dân nghèo, một mình chèo chống cái xuồng, thúng bé xíu ra khơi mênh mông… không biết họ sẽ chống chọi những cơn sóng hoặc một cơn gió mạnh như thế nào.
Làm muối
Một thứ không thể không kể ở các tỉnh miền trung làm làm muối. Những cánh đồng muối ở Phan Rang nhìn không hết tầm mắt, khi nước rút và để nước biển khô đóng thành muối, những người thu hoạch muối sẽ mang giày ống. Mỗi người một việc, phụ nữ thì cào muối thành từng đống, đàn ông gánh muối vào tập trung một chổ chờ xe đến chở. Đến lúc thu hoạch muối, nhìn cánh đồng tuyệt đẹp, bạn cứ tưởng tượng từng đống muối được gom lại như những kim tự tháp sang sát nhau nhiều vô số kể.
Làm chiếu
Địa phận giáp ranh tỉnh Bình Định và tỉnh Quảng Ngãi có nhiều làng nghề làm chiếu, dọc theo quốc lộ có những cánh đồng mới nhìn mình tưởng bỏ hoang cỏ dài mọc, nhưng không phải …họ trồng các cây giống như cây lúa nhưng rất to rà và cao. Người dân thu hoạch như thu hoạch lúa và chở bằng xe bò hoặc xe máy về nhà, sau đó để nguyên cây phơi dọc quốc lộ, họ còn tận dụng bỏ ra gần đường xe máy, xe tại chạy qua cho thân cây bị dập mau khô. Khi cây đã được phơi khô, họ đưa vào máy ép như ép nước mía xong đi nhuộm màu xanh, đỏ như chúng ta thấy màu của chiếu,,, tiếp theo các giai đoạn khác thì mình không rõ nhưng sau đó họ dệt những cây đó lại bằng các máy dệt thủ công và làm hoa văn cho chiếu.
Làm gái đứng đường
Cái này vui nè, gái đứng đường hay nghề mại dâm thì ở đâu cũng có. Sài Gòn nổi tiếng đường Nguyễn Chí Thanh, Huyền Trân Công Chúa. Hà Nội thì Trần Duy Hưng. Miền trung thì nhiều lắm, đặt biệt các quán nước, quán ăn dành cho xe tải. Qua khỏi đèo Ngang, đoạn đường gần biển rất nhiều cô gái đứng trong quán vẫy vẫy…”Anh ơi vô làm cại rồi đi anh”…Vùng Voi Nghệ An có 2km “ăn chơi”, mới sáng sớm rất nhiều cô gái mình đoán chừng 17-18 tuổi cầm ô đứng dần mép đường vẫy vẫy dưới cái mưa dai dẵng miền trung. Hầu như quán cà phê võng nào cũng có…
Làm gạch
Các tỉnh Bắc Trung Bộ, mình thấy có một điều hơi lạ, phụ nữ hầu hết làm tất cả các việc nặng, không như những vùng khác… đi qua vùng này mình thấy những công việc hầu như là của đàn ông thì phụ nữ điều có thể làm được hết. Từ người bốc vác xi măng cho đến bốc vác gạch ngói, chạy xe công nông. Gạch miền bắc trung bộ rất khác gạch các khu khác. Khi nói về viên gạch, bạn thường nghĩ về đất nung có 4 lổ màu vàng … nhưng không, ở đây không thấy họ nung, chỉ những chiếc máy trộn hỗn hợp đất đá màu xám giống như than đá sau đó đưa vô một cái khuôn dài ép lại, khi máy chạy qua đúng kích thước thì cắt và những phụ nữ mang nó đi phơi.
Thực sự thật kính nể phụ nữ ở đây, họ có thể không mặt hoa da phấn váy áo đủng đỉnh….ai ai cũng thường mặc chiếc áo tay dài sẩm màu như màu quân đội, thân hình cơ bắp…thấy chị em cặp nách bao xi măng 50kg chạy vèo vèo lên xe tải thấy mà hết hồn.
Làm biếng
Không có nghề gì sướng mà nhiều người làm bằng nghề làm biếng, đâu đâu cũng thấy họ ngồi quán cà phê bàn bạc đề đóm, chê bai người này người kia, bàn tình hình an ninh trật tự thế giới. Thanh niên tụp ba tụm bảy trên những chiếc xe côn tay chạy lòng vòng tới lui, đầu xanh đầu đỏ không mũ bảo hiểm, vô số bốc đầu chứng tỏ với người xung quanh.
Làm việc không tên
Việc không tên, việc không tên là việc gì?. À mình chợt nhớ một bác gác miếu ông hổ trên đèo Hải Vân. Tính đến thời điểm gặp chú ấy thì chú đã canh miếu đó 30 năm, năm 2017 mình có đi ngang và ghé thăm chú mới biết tin chú ấy đã mất trước đó mấy tháng. Nay vợ chú ấy tiếp tục công việc đó. Công việc thường ngày của chú ấy là hương khói, quét dọn cho cái miếu linh thiên, chỉ có cái chòi nhỏ, cái chiếu và cái mền… chú ấy nói hồi xưa chưa có hầm Hải Vân thì xe khách đi ngang đây hay gặp tai nạn, nay có hầm rồi không còn tai nạn nữa chú cũng mừng, chú sống với miếu này mấy chục năm quen rồi bây giờ không bỏ được.
Làm ruộng
Mình sông trong nam và cũng đã từng làm ruộng, nhưng nói cho cùng trong nam mưa thuận gió hòa nên làm ruộng cũng đỡ khổ hơn các vùng khác. Như ở Huế hoặc Thanh Hóa, đất đai không được màu mỡ cho lắm, đến mùa cấy cày lại lạnh thấy xương, mưa lạnh dầm dề hết ngày này qua tháng nọ. Người làm ruộng dẫn trâu cày, những mảnh ruộng nhỏ không cày được thì dùng sức người cuốc đất lên, họ co ro trong cái lạnh khó chịu để cấy từng gốc lúa, nhổ từng cọng cỏ.
Kết luận
Nhìn thấy rất nhiều công việc khác nhau trên đường đi, có những việc tốt, có những việc xấu…nhưng nhìn chung quy chúng ta cũng đã rất may mắn. Chúng ta may mắn vì được sự hy sinh của cha mẹ, được ăn được học được sự lựa chọn con đường đi cho cuộc sống của chính mình. Nếu không may mắn, bạn không được sự hỗ trợ từ gia đình cũng đừng than trách vì ngoài kia còn hàng triệu người, già, trẻ đang bán sức khỏe của mình để kiếm miếng cơm manh áo.
Hãy ngừng than phiền vì bạn không được lên lương hoặc lên lương ít, hãy ngừng trách móc cha mẹ không cho bạn bằng bạn bằng bè.
Hãy nhẹ nhàng với anh bạn phục vụ bàn, kính trọng anh bảo vệ, tôn trọng cô lao công … vì mỗi người dù họ là ai, làm công việc gì cũng điều là sự phân công của xã hội …tất cả họ, bạn và tôi điều là những mắc xích quan trọng cho cuộc sống của mỗi người.
Bài viết vui và hay. Rất khâm phục bác, em cũng ấp ủ một chuyến xe đạp xuyên Việt mà còn nhát quá, không biết trước khi xuống lỗ có làm được không.